Kiểm soát hành vi “Tẩy xanh” – Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính xanh

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm cách xây dựng hình ảnh, thương hiệu gần gũi và thân thiện với môi trường. Trong các doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp thực sự có những biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường, tuy nhiên, có những doanh nghiệp cố tình lừa dối khách hàng và các tổ chức có liên quan để xây dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp.

Hành vi này được gọi là “tẩy xanh” (greenwashing) thương hiệu. Nếu các tổ chức tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp “tẩy xanh” sẽ dẫn đến rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh. Việc nhận diện và kiểm soát các doanh nghiệp “tẩy xanh” là hết sức cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng “tẩy xanh”, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính. Bài viết làm rõ khái niệm “tẩy xanh”, từ đó phân tích thực trạng “tẩy xanh”, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế “tẩy xanh”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính xanh.

A9011-Cities of the Future Technology, Sustainable Architecture and Planning

1. Đặt vấn đề
 Trong những năm gần đây, khí hậu trái đất đang có những thay đổi tiêu cực. Nhiệt độ trái đất tăng lên với tốc độ đáng báo động và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống, điều này làm cho các quốc gia ngày càng quan tâm, chú trọng đến vấn đề môi trường. Các quốc gia và các nhà hoạch định chính sách đều khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới quá trình chuyển đổi xanh.
 Để giảm thiểu biến đổi khí hậu, vai trò của khu vực tài chính ngày càng trở nên quan trọng và được đưa vào những thảo luận giữa các quốc gia.

Thỏa thuận Paris đã kí kết vào năm 2015, được coi là một bước ngoặt trong mối quan tâm chung về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực tài chính, thỏa thuận này có ý nghĩa then chốt vì góp phần hình thành các nguồn tài chính phù hợp với lộ trình hướng tới phát thải khí nhà kính thấp và phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự nóng lên toàn cầu gây ra rủi ro khí hậu và môi trường, chẳng hạn như mực nước biển dâng cao và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, rủi ro khí hậu ảnh hưởng đến rủi ro tài chính và do đó ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính (Feyen và cộng sự., 2020; Dunz và cộng sự., 2021). Để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, các tổ chức tài chính đã cung cấp những khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đảm bảo không gây hại cho môi trường, tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Những khoản hỗ trợ này còn được gọi là tài chính xanh. Các tổ chức quốc tế và quốc gia đã đóng góp vào sự phát triển của tài chính xanh thông qua nghiên cứu và các đề xuất quy định khác nhau. Đặc biệt, sau khi thỏa thuận Paris được công bố, các chính sách liên quan đến khí hậu và các cam kết hỗ trợ tài chính xanh đã tăng lên. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ tài chính xanh cho các tổ chức, vẫn chưa có các nguyên tắc phân loại hiệu quả các tổ chức nhận hỗ trợ tài chính xanh. Bên cạnh đó, còn thiếu các yêu cầu chặt chẽ về công bố thông tin của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính xanh. Chính sự bất cập này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đã cung cấp thông tin sai sự thật, dẫn đến các hoạt động “tẩy xanh”. Điều này đã làm chậm một phần quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế, đồng thời gây ra những rủi ro cho hoạt động tài chính xanh.


 Trong bối cảnh đó, có thể thấy, việc nâng cao nhận thức về “tẩy xanh” và ảnh hưởng “tẩy xanh” trong lĩnh vực tài chính xanh là hết sức cần thiết cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc nhận diện “tẩy xanh” và đưa ra những giải pháp để hạn chế “tẩy xanh” giúp nâng cao chất lượng tài chính xanh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. “Tẩy xanh” 
 Thuật ngữ “tẩy xanh” được đề cập đầu tiên vào năm 1986 bởi Jay Westervelt – một nhà môi trường học. Đến năm 1999, từ điển tiếng Anh Oxford (OED) định nghĩa “tẩy xanh” là “Thông tin sai lệch được phổ biến bởi một tổ chức nhằm thể hiện hình ảnh có trách nhiệm với môi trường trước công chúng; một hình ảnh công khai về trách nhiệm môi trường được ban hành bởi hoặc cho một tổ chức… nhưng được coi là không có cơ sở hoặc cố ý gây hiểu nhầm”. Một số nghiên cứu sau này cũng đã xem xét về khái niệm “tẩy xanh”. Tateishi (2018a) tóm tắt hành động “tẩy xanh” là “việc truyền thông khiến mọi người hiểu lầm về hiệu quả/lợi ích môi trường bằng cách che đậy thông tin tiêu cực và phổ biến thông tin tích cực về một tổ chức, dịch vụ hoặc sản phẩm”. 
 Theo Lyon và Montgomery (2015), không có định nghĩa thống nhất nào về “tẩy xanh” do tính chất đa diện của nó. Các định nghĩa ở trên chỉ là mô tả các cách tiếp cận khác nhau trong việc xác định hiện tượng “tẩy xanh”. Tuy nhiên, từ các khái niệm trên có thể hiểu, “tẩy xanh” là việc doanh nghiệp cung cấp các thông tin sai lệch hoặc doanh nghiệp không thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường nhưng lại thể hiện hình ảnh có trách nhiệm với môi trường. Nếu các cơ quan quản lí và các tổ chức tài chính không có biện pháp để nhận diện thì có thể sẽ hỗ trợ tài chính xanh cho các doanh nghiệp này. Việc hỗ trợ tài chính như vậy là sai mục đích và sẽ làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường, đồng thời có thể dẫn đến những rủi ro cho các tổ chức tài chính.  

3. Ảnh hưởng của “tẩy xanh” đến hoạt động tài chính xanh 
 Khi cả thế giới quan tâm đến vấn đề môi trường và khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường thì xu hướng “tẩy xanh” cũng ngày càng lan rộng. Hành vi “tẩy xanh” bị phát hiện với quy mô và tần suất ngày càng tăng. Các doanh nghiệp có hành vi “tẩy xanh” khi gắn được mác “bền vững” hay “thân thiện với môi trường” sẽ có cơ hội thu hút được nhiều đầu tư tài chính. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính xanh nhờ hoạt động “tẩy xanh” của mình.Trên thế giới, bộ tiêu chuẩn ESG (viết tắt bởi E – Environmental/Môi trường; S – Social/Xã hội; G – Governance/Quản trị doanh nghiệp) ngày càng trở nên phổ biến.

Hành động “tẩy xanh” giúp doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn ESG. Đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến việc phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp tới cộng đồng. Các doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt. Tiêu chuẩn ESG đã ra đời từ lâu nhưng sự tuân thủ ESG của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 đã khiến các doanh nghiệp phải xem xét lại việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG, không chỉ là lựa chọn mà còn là quyết định mang tính sống còn. 


 Trong những năm gần đây, không ít doanh nghiệp đã có các hành động vô cùng tinh vi trong việc “tẩy xanh”. Các hành vi này đã qua mắt được các cơ quan xếp hạng, khiến các cơ quan này dùng những thông tin sai lệch đó để tính chỉ số ESG. Khi doanh nghiệp “tẩy xanh” đạt được ESG họ sẽ dễ dàng thu hút được các khoản đầu tư, khi đó mục đích của các khoản đầu tư sẽ được sử dụng không hiệu quả, không có những tác động làm thay đổi môi trường. Chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp đã ngày càng chuyển dịch sang các yếu tố ESG nhiều hơn so với các chỉ tiêu tài chính truyền thống trước đây. Các nhà đầu tư đang có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ESG. Dựa trên các chỉ số ESG được công bố, các nhà đầu tư (gồm cá nhân, tổ chức như các ngân hàng, các tập đoàn có quyền phát hành cổ phiếu) sẽ mua cổ phiếu của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp “tẩy xanh”.

Điều này làm giá trị doanh nghiệp tăng lên, các cổ đông hiện tại của doanh nghiệp đó sẽ nhận thấy danh mục đầu tư và giá trị tài sản của mình tăng lên. Như vậy có thể thấy, hành vi “tẩy xanh” đã tạo điều kiện làm tăng giá trị tài sản doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp được định giá cao hơn giá trị thực. Khi có sự cố hoặc doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi “tẩy xanh” thì sẽ làm cho giá trị doanh nghiệp suy giảm nhanh chóng, từ đó làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và cổ đông. Có thể thấy, hành vi “tẩy xanh” khiến cho thị trường kém hiệu quả hơn và có thể gây tác động tiêu cực cho thị trường tài chính trong cả ngắn hạn và trung hạn.  

4. Kinh nghiệm hạn chế “tẩy xanh” của các nước trên thế giới 
 Tại Trung Quốc, tình trạng “tẩy xanh” diễn ra khá phổ biến. Thông qua việc phân tích chi phí môi trường của các công ty niêm yết, Xing, Zhang và Tripe (2021) phát hiện ra nhiều doanh nghiệp dịch vụ và dịch vụ tài chính có hành vi “tẩy xanh”. Các doanh nghiệp này đã lạm dụng các khoản hỗ trợ tài chính xanh để thực hiện các dự án không thân thiện với môi trường.  Chính phủ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc nhận ra sự khác biệt giữa hoạt động xanh và việc “tẩy xanh”. Nguyên nhân khiến cho Chính phủ Trung Quốc gặp khó khăn là do thông tin các công ty cung cấp sai sự thật. Thông tin các công ty cung cấp là một phần thiết yếu trong quy trình ra quyết định tài trợ tài chính xanh, tuy nhiên, các công ty lại sử dụng các loại báo cáo khác nhau, chẳng hạn như báo cáo hằng năm, báo cáo phát triển bền vững, báo cáo tích hợp hoặc trang web của công ty để cung cấp thông tin phi tài chính của họ.

Những thông tin này gây hiểu nhầm hoặc phóng đại quá mức về khả năng thân thiện với môi trường của doanh nghiệp. Chính sự không nhất quán trong báo cáo này của các công ty Trung Quốc đã tạo cơ hội cho việc “tẩy xanh”. Để giảm thiểu tình trạng “tẩy xanh”, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu đối với các báo cáo tài chính của công ty cần được công bố thường xuyên, truy cập mở và bắt buộc. Các bản báo cáo tài chính cũng cần đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy về các thông tin liên quan đến môi trường để giảm bớt các rủi ro “tẩy xanh”, từ đó giúp các nhà đầu tư và chính phủ có thể kiểm tra trước khi đưa ra các quyết định tài trợ tài chính xanh.


 Tại Singapore, các hoạt động “tẩy xanh” trong tài chính đang dần tăng lên khi có nhiều khoản đầu tư được phân bổ cho các dự án phát triển bền vững. Các doanh nghiệp và quỹ được đánh giá cao về các chỉ số ESG đã thu hút hàng nghìn tỉ đô la đầu tư trong những năm gần đây. Để hạn chế “tẩy xanh”, tất cả các công ty niêm yết ở Singapore, bao gồm cả ngân hàng, sẽ phải công khai thông tin phù hợp với các khuyến nghị của nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Đồng thời, thông tin tài chính của các doanh nghiệp có liên quan đến biến đổi khí hậu được yêu cầu công bố thường xuyên. Bên cạnh đó, Singapore đã khởi động chương trình dùng trí tuệ nhân tạo để giúp phân tích rủi ro của ngành tài chính, thông qua đó để xác định những rủi ro môi trường, cũng như kiểm tra việc chống “tẩy xanh” trong lĩnh vực này. Singapore cũng yêu cầu việc đảm bảo chất lượng thông tin của các doanh nghiệp về các báo cáo tác động đến sự phát triển bền vững.


 Tại Liên minh châu Âu (EU), nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ESG tại đây đã bị cáo buộc là thổi phồng và thậm chí sai sự thật về những lợi ích mà các khoản đầu tư mang lại. Để khôi phục niềm tin vì những cáo buộc “tẩy xanh”, vào tháng 03/2022, EU đã thông qua quy định công bố quỹ bền vững (Sustanable Fund Disclosure Regulation – SRDR). Đây được xem là biện pháp quan trọng nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và khung báo cáo trên toàn cầu về vấn đề đầu tư tài chính xanh. Ngoài ra, EU đã vạch ra kế hoạch chống “tẩy xanh” trong nỗ lực làm sạch carbon. Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của khối đã đề xuất các quy tắc vào ngày 30/11/2022 để thiết lập một hệ thống chứng nhận loại bỏ carbon. Để đạt được chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ phải công bố thông tin chính xác và rõ ràng về những tác động đối với môi trường. Song song với đó, EU đã áp dụng những quy định về đảm bảo chất lượng của các báo cáo bền vững. Dòng tiền vào quỹ ESG đã tăng lên sau khi đưa ra các yêu cầu công bố thông tin, yêu cầu về báo cáo được áp dụng, giúp khôi phục niềm tin vào một thị trường bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc “tẩy xanh”. 

5. Giải pháp kiểm soát “tẩy xanh” nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính xanh tại Việt Nam
 Việc hạn chế “tẩy xanh” đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm nhằm khắc phục những tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả của các hoạt động tài chính xanh. Mặc dù đây là một hành vi khá mới,  tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng của việc hạn chế “tẩy xanh”, Việt Nam đang trong quá trình hướng tới sự phát triển của hệ thống tài chính xanh cũng đã dần quan tâm hơn tới vấn đề hạn chế “tẩy xanh”. Để kiểm soát tình trạng “tẩy xanh”, Chính phủ và các bên liên quan là rất quan trọng và cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau: 


Chính phủ và các cơ quan quản lí cần tăng cường yêu cầu về công bố thông tin ESG 
 Thúc đẩy công bố thông tin ESG là một trong những cách tốt nhất để hạn chế “tẩy xanh”. Trong những năm gần đây, với sự tăng trưởng ngày càng mạnh của các dòng vốn ESG, các cơ quan quản lí cần có các hoạt động giám sát chặt chẽ hơn các quỹ và công ty quản lí quỹ ESG nhằm đảm bảo sự trung thực của những mục tiêu ESG và tránh tình trạng “tẩy xanh”. Rào cản lớn trong đầu tư ESG là mức độ công bố thông tin và chất lượng dữ liệu bởi chúng có thể dễ dàng bị “tẩy xanh”. Chính vì vậy, cơ quan quản lí cần yêu cầu chặt chẽ hơn về chất lượng báo cáo và thông tin được công bố để góp phần tăng tính minh bạch, mức độ tin cậy của thông tin. Để làm được điều đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những tiêu chuẩn và khung báo cáo ESG đáng tin cậy để tạo tiền đề cho việc báo cáo minh bạch, từ đó hạn chế hành vi “tẩy xanh”.

Chính phủ cần có những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi “tẩy xanh” trong hoạt động tài chính xanh
 Một số doanh nghiệp hiện nay vẫn dễ dàng “đánh lừa” các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính bởi các hành vi “tẩy xanh”. Nguyên nhân là do chưa có những chế tài đủ mạnh để xử phạt các hành vi “tẩy xanh”. Do vậy, Chính phủ cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc để răn đe các doanh nghiệp có hành vi “tẩy xanh”. Để xác định được hành vi “tẩy xanh”, cần có một hệ thống giám sát tính minh bạch trong hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính xanh. Hệ thống giám sát thông tin này rất cần có sự tham gia của Chính phủ, xã hội và công chúng… 


Nâng cao nhận thức về các hành vi “tẩy xanh”
 “Tẩy xanh” được biết đến như một hành vi dễ làm cho mọi người hiểu lầm về trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp. Do vậy, nếu nhận thức của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, người dân về hành vi “tẩy xanh” được nâng cao sẽ góp phần phát hiện và ngăn chặn các hoạt động “tẩy xanh” một cách hiệu quả. Chính phủ và các cơ quan quản lí cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để mọi người có nhận thức tốt hơn và có thể nhận diện được hành vi “tẩy xanh”. Khi nhận thức được nâng cao sẽ giúp cho việc nhận diện và kiểm soát “tẩy xanh” trở nên hiệu quả hơn. 
 Các tổ chức tài chính cần thiết lập những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong việc đánh giá mức độ thân thiện môi trường của các dự án. Các tổ chức tài chính cần có những biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát “tẩy xanh”. Các tổ chức tài chính có thể xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về yêu cầu thân thiện với môi trường và yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi tài trợ cho các dự án. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp giám sát chặt chẽ trong toàn bộ quá trình thực hiện của các dự án. Từ đó, có thể phát hiện sớm hành vi “tẩy xanh” và có những can thiệp kịp thời. 

6. Kết luận
 Việc thúc đẩy nền kinh tế xanh hướng đến tăng trưởng và phát triển bền vững đối với Việt Nam là vấn đề vô cùng cấp thiết. Trong quá trình đó, tài chính xanh là một hoạt động quan trọng có ảnh hưởng tích cực đối với môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt ưu điểm thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các hành vi “tẩy xanh” trong hoạt động tài chính xanh, vì vậy, cần quản lí chặt chẽ hiện tượng “tẩy xanh”. Để làm được điều đó cần có những giải pháp hiệu quả và sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan và công chúng.


Tài liệu tham khảo:


1. Baldi, F. and Pandimiglio, A. (2022). “The role of ESG scoring and greenwashing risk in explaining the yields of green bonds: A conceptual framework and an econometric analysis”, Global Finance Journal, 52, p. 100711. Available at: https://doi.org/10.1016/j.gfj.2022.100711.

2. Baum, L.M. (2012). ‘It’s Not Easy Being Green… Or Is It? A Content Analysis of Environmental Claims in Magazine Advertisements from the United States and United Kingdom’, Environmental Communication, 6(4), pp. 423-440. Available at: https://doi.org/10.1080/17524032.2012.724022.

3. Delmas, M.A. and Burbano, V.C. (2011). “The Drivers of Greenwashing”, California Management Review, 54(1), pp. 64-87. Available at: https://doi.org/10.1525/cmr.2011.54.1.64.

4. Dunz, N. et al. (2021). “ECB’s Economy-Wide Climate Stress Test”, SSRN Electronic Journal [Preprint]. Available at: https://doi.org/10.2139/ssrn.3929178.

5. European Commission. Joint Research Centre. (2020). Green bonds as a tool against climate change? LU: Publications Office. Available at: https://data.europa.eu/doi/10.2760/24092 (Accessed: 9 December 2022).

6. Feyen, E. et al. (2020). Macro-Financial Aspects of Climate Change. World Bank, Washington, DC. Available at: https://doi.org/10.1596/1813-9450-9109.

7. Guo, R. et al. (2014). “The effect path of greenwashing brand trust in Chinese microbiological industry from decoupling view”, p. 5.

8. Kien, V.D. et al. (2014). ‘Horizontal inequity in public health care service utilization for non-communicable diseases in urban Vietnam’, Global Health Action, 7, p. 10.3402/gha.v7.24919. Available at: https://doi.org/10.3402/gha.v7.24919.

9. Lyon, T.P. and Montgomery, A.W. (2015). “The Means and End of Greenwash”, Organization & Environment, 28(2), pp. 223-249. Available at: https://doi.org/10.1177/1086026615575332.

10. Marquis, C., Toffel, M.W. and Zhou, Y. (2016). “Scrutiny, Norms, and Selective Disclosure: A Global Study of Greenwashing”, Organization Science, 27(2), pp. 483-504. Available at: https://doi.org/10.1287/orsc.2015.1039.

TS. Nguyễn Hoài Nam, Lê Thị Phương, Hồ Thị YếnHọc viện Ngân hàng







WHERE WE CAN HELP YOU 

Consultancy Industries

We offer a variety of business and management consulting services that support your needs today while continuing to meet your needs in the future. We offer a suite of solutions to support your growth plan and the optimization of your organization as a whole.