Chuyển dịch, tiết kiệm năng lượng với nhiều kỳ vọng
Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chuyển dịch năng lượng xu thế tất yếu
Chuyển dịch năng lượng (Energy Transition) được hiểu là sự chuyển dịch các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân,… sang các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường (Ialnazov & Keeley, 2020; Sgouridis & Csala, 2014).
Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới trong chuyển dịch năng lượng. Cụ thể nhất là cam kết mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP 26. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có xu hướng chuyển dịch sang các nguồn NLTT và nghiên cứu các công nghệ mới.
Hiện nay, cùng với việc chủ động đảm bảo các nguồn năng lượng như: Đầu tư sản xuất than, điện, xăng dầu… phục vụ cho sản xuất và đời sống, Việt Nam đã coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, là nguồn năng lượng “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia.
Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng đa dạng. Ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp.
Dự báo, giai đoạn từ năm 2021-2025, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn từ năm 2021-2030 với điện thương phẩm, năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ thấp hơn 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay – khoảng 550 – 600 tỷ kWh điện.Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn phải là hành động thực tế – đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa tới phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng.
Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực. Cùng với đó là ẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng.
Hướng tới phát triển kinh tế xanh
Khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.
Trong đó, Chiến lược đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cam kết cân bằng phát thải, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng và quyết liệt với việc ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Có thể thấy, ứng phó với biến đổi khí hậu và theo đuổi nền kinh tế xanh là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ. Bối cảnh đó cũng đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp nhằm thay đổi để thích ứng kịp thời.
Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải các-bon, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Nền kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay. Khái niệm biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ là vấn đề môi trường nữa, mà là một yếu tố không thể tách rời của mọi nền kinh tế và mọi tính toán về tăng trưởng. Việt Nam muốn phát triển bền vững, không thể nằm ngoài xu thế này, vì vậy chuyển đổi xanh nền kinh tế là điều tất yếu đúng như chủ trương chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua.
Nguyên Lâm (Môi trường và Cuộc sống)
WHERE WE CAN HELP YOU
Consultancy Industries
We offer a variety of business and management consulting services that support your needs today while continuing to meet your needs in the future. We offer a suite of solutions to support your growth plan and the optimization of your organization as a whole.